Kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng (high-rack storage warehouses) đang trở thành một phần quan trọng của ngành logistics và thương mại điện tử. Những hệ thống này cho phép tận dụng tối đa không gian theo chiều dọc, tăng khả năng lưu trữ trong một diện tích nhất định. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và mở rộng các kho hàng này, vấn đề về an toàn, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), đang nổi lên như một thách thức đáng kể. Kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng có những đặc điểm khác biệt so với các loại kho truyền thống, điều này đặt ra nhiều vấn đề cho công tác PCCC.
Cùng với sự phát triển và mở rộng của các kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng thì vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy là vô cùng cần thiết. Có thể thấy, tình hình cháy lớn tại các kho, xưởng lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng và đáng lo ngại trên toàn thế giới. Khi xảy ra cháy không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người và ảnh hưởng nền kinh tế. Một số vụ cháy điển hình của các kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng, như: Vụ cháy ngày 11/4/2019 của Công ty Pan Pacific Logistics, địa chỉ tại đường 17-18 KCN Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, Bình Dương đã thiêu rụi hoàn toàn 19.500 m2 nhà kho gây thiệt hại gần bảy trăm tỷ đồng; vụ cháy ngày 11/11/2023 tại Công ty TNHH TMDV Đức Thành, địa chỉ tại số 37/5 đường Bế Văn Cẩm, phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh đã thiêu rụi 2.000/17.374 m2 nhà kho và vụ cháy ngày 13/1/2024 ở thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga đã thiêu rụi 50.000/12.000 m2 nhà kho, thiệt hại ước tính khoảng 10-11 tỷ ruble (khoảng ba nghìn tỷ đồng). Theo thống kê, hiện nay ở nước ta có khoảng 22,524 nhà kho, cơ sở công nghiệp thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và số lượng này được tăng lên theo từng năm. Hầu hết các kho này đều lưu trữ số lượng hàng hóa lớn và được đặt trên các giá cao tầng, đòi hỏi yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có cháy xảy ra.
Trong những năm gần đây, sự phát triển các kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng là một xu hướng trong nền kinh tế toàn cầu. Đây là kết quả của sự phát triển công nghệ, nhu cầu thương mại điện tử và các yêu cầu ngày càng cao về tối ưu hóa không gian lưu trữ trong các ngành sản xuất và phân phối. Kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng ra đời để giải quyết vấn đề không gian trong bối cảnh các khu công nghiệp và thành phố ngày càng hạn hẹp về diện tích. Thay vì mở rộng theo chiều ngang như trước đây, các nhà kho hiện đại đã tận dụng không gian theo chiều dọc, sử dụng các hệ thống kệ hàng cao tầng có thể lên đến hàng chục mét. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm diện tích đất đai mà còn tăng cường khả năng lưu trữ, đáp ứng nhu cầu lưu trữ khối lượng hàng hóa khổng lồ. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì còn kéo theo những hệ lụy cần phải xem xét, đánh giá để có những giải pháp, biện pháp thích hợp, cụ thể như:
Đặc điểm về kiến trúc: Kết cấu chủ yếu của kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng là khung thép, mái tôn và gồm 2 bộ phận chính là khung chịu lực và phần mái. Khung chịu lực gồm các cột, dầm, vì kéo thép; khung ngang được liên kết với nhau bằng kết cấu dọc gồm hệ giằng thép, kết cấu mái, dầm, kết cấu đỡ tường; khung phụ là xà gồ mái, dầm tường, thanh chống đỉnh tường. Bộ phận mái tôn gồm khung, kèo và tôn lợp. Chi phí xây dựng các nhà kho dạng này tương đối thấp, thời gian xây dựng ngắn, sử dụng được lâu dài và dễ dàng bảo dưỡng tuy nhiên khả năng chịu lửa kém. Do đó, các vụ cháy chỉ sau 15 – 20 phút, dưới tác động của nhiệt độ cao, các kết cấu chính của nhà kho như: Cột chịu lực, hệ giằng, vách cứng, các bộ phận của sàn như dầm, xà hoặc tấm sàn,… nếu không được bảo vệ bằng vật liệu chống cháy sẽ gây sập đổ một phần hoặc toàn bộ phần mái và cả công trình. Trường hợp các kết cấu chịu lực chính được bảo vệ bằng vật liệu chống cháy tương đương bậc chịu lửa I, II thì sau thời gian từ 90 đến 120 phút có thể dẫn đến sập đổ công trình.
Đặc điểm lữu trữ hàng hóa: Kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng luôn tồn tại một lượng chất cháy lớn, đa dạng, có thể bao gồm bất kỳ nguyên liệu, thành phẩm, bán thành phẩm và những vật liệu, hàng hóa dễ cháy, tập trung với khối lượng lớn được xếp trên các giá đỡ cao từ 5,5 đến 25 mét. Khi có cháy xảy ra, đám cháy sẽ dễ dàng phát triển và mau chóng vượt tầm kiểm soát, khiến việc chữa cháy trở nên khó khăn. Nhiều kho chứa các vật liệu dễ cháy như nhựa, giấy, hóa chất, hoặc thậm chí là các chất độc hại, khi đám cháy bùng phát, không chỉ có ngọn lửa mà còn có khói độc và khí nóng lan tỏa, tạo ra những thách thức lớn trong việc kiểm soát tình hình và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy.
Nguy cơ cháy lan trong các kho hàng hóa lưu trữ trên giá cao tầng: Các hàng hóa được lưu trữ trên giá cao tầng thường có không gian trống giữa các giá hàng, tạo điều kiện thuận lợi giúp oxy dễ dàng khuếch tán, từ đó tăng tốc độ lan truyền của lửa từ giá này sang giá khác. Nếu không có hệ thống ngăn cháy hiệu quả, lửa có thể bùng phát nhanh chóng và rất khó để ngăn chặn. Bên cạnh đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở các kho hàng chưa được trang bị đầy đủ hoặc hệ thống không được duy trì hoạt động dẫn đến việc dập tắt lửa ở các khu vực lưu trữ hàng hóa trên cao sẽ trở nên khó khăn hơn gây cháy lan nhanh chóng.
Thực trạng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị hiện nay: Nhiều trang thiết bị chữa cháy, CNCH, thiết bị bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ còn lạc hậu chưa đáp ứng đủ yêu cầu trong các tình huống khẩn cấp; số lượng các phương tiện, thiết bị chữa cháy hiện đại còn hạn chế, chưa được trang bị rộng rãi trên toàn quốc, như: trực thăng chữa cháy (hiện chưa có ở nước ta), robot chữa cháy (hiện nay trang bị được 13 robot chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên toàn quốc),… dẫn tới việc tiếp cận gần các đám cháy có nguy cơ sập đổ cao như các kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng có kết cấu nhà khung thép, mái tôn còn gặp nhiều khó khăn.
Những vấn đề đặt ra trong công tác chữa cháy đối với kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng ở Việt Nam
Điều động, huy động lực lượng, phương tiện: Khi có cháy xảy ra ở kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng, trên cơ sở thông tin và diễn biến đám cháy, người chỉ huy cần điều động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều động các lực lượng, phương tiện chữa cháy và CNCH phù hợp, bao gồm: xe chữa cháy, xe thang (số lượng tối đa hiện có của đơn vị), xe CNCH, xe cần vươn, xe trạm bơm, xe chiếu sáng, robot chữa cháy, máy bơm chữa cháy, lăng giá chữa cháy di động, thiết bị bay không người lái, máy nạp khí thở, bình dưỡng khí dự phòng. Bên cạnh đó cần huy động thêm các lực lượng, phương tiện, như: xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe nâng, các loại xe tiếp nước phục vụ chữa cháy, giàn đèn chiếu sáng di động, xe cứu thương,… của các đội PCCC cơ sở, chuyên ngành và các lực lượng đơn vị Công an, y tế, cấp nước, điện lực.
Họat động trinh sát đám cháy: Đối với đám cháy có khối tích lớn như kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng nên sử dụng xe thang, thiết bị bay không người lái để trinh sát đám cháy từ trên cao kết hợp cùng với xe hút khói, quạt hút, thổi khói để có thể trinh sát sâu bên trong khu vực cháy. Hoạt động trinh sát đám cháy được tiến hành từ khi xuống tới hiện trường đến khi đám cháy được dập tắt để đánh giá đúng tình hình, quy mô, mức độ, từ đó người chỉ huy chữa cháy có thể đưa ra các biện pháp cứu, chữa và áp dụng các kỹ chiến thuật chữa cháy phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Áp dụng các biện pháp chữa cháy: Đi đôi với việc triển khai trinh sát đám cháy, chỉ huy chữa cháy phải triển khai ngay đội hình phun chất chữa cháy. Tuy nhiên, mục tiêu của giai đoạn chữa cháy ban đầu là tạo ra điều kiện thuận lợi để cứu người bị nạn, trinh sát đám cháy và khống chế sự phát triển của đám cháy. Đối với các khu vực của kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng xảy cháy trên diện tích lớn, căn cứ tình hình lực lượng phương tiện chữa cháy, chỉ huy chữa cháy phải phân chia các khu vực chiến đấu theo các khoang cháy, tường ngăn cháy; đồng thời giao nhiệm vụ cho từng chỉ huy khu vực chữa cháy. Chỉ huy khu vực chữa cháy cần áp dụng các biện pháp phù hợp. Tuy nhiên với các nhà có quy mô lớn, việc tiếp cận trực tiếp vào trong công trình phải đặc biệt chú ý, chỉ triển khai tấn công khi đã xác định được độ an toàn của kết cấu nhà kho, trường hợp đám cháy kéo dài trên 20 phút cần chú ý đến kết cấu thép biến dạng.
Nguồn nước chữa cháy: Các đám cháy kho hàng hóa thường có quy mô lớn, vì vậy nước chữa cháy phải cung cấp đủ lưu lượng, áp lực để cho lăng phun hoạt động được liên tục. Bên cạnh đó cần huy động các máy bơm chữa cháy lấy nước từ các nguồn nước tự nhiên có trữ lượng lớn như ao, hồ để đáp ứng được yêu cầu chữa cháy trong thời gian dài.
Ngăn chặn cháy lan và làm mát: Nhằm ngăn cháy lan ra khu vực khác, bên cạnh hoạt động chữa cháy, chỉ huy cần tổ chức di dởi tài sản để giảm thiệt hại đồng thời chống cháy lan. Huy động, phối hợp các lực lượng của cơ sở và các lực lượng quân đội, công an tham gia di dời tài sản. Trường hợp đám cháy lan truyền theo công trình, chất cháy không thể di chuyển được, chỉ huy chữa cháy quyết định cho phá dỡ tạo khoảng cách chống cháy lan bằng cách cho phá tường ngăn, công trình lân cận nhằm tạo khoảng cách ngăn cháy. Đồng thời cần sử dụng lực lượng phương tiện phun nước làm mát chống biến dạng, sụp đổ kết cấu công trình khung thép mái tôn, gây nguy hiểm cho con người và khó khăn cho công tác chữa cháy. Sử dụng loại lăng đa tác dụng, phun dạng phân tán để đảm bảo tính cơ động và an toàn. Khi triển khai đội hình hoàn chỉnh xong cần chuẩn bị vòi dự trữ cho hướng tấn công chính. Để tiếp cận vị trí xảy ra cháy đảm bảo an toàn, nhất thiết phải triển khai tối thiểu 02 mũi lăng, trong đó 01 mũi lăng chính và 01 mũi lăng bảo vệ.
Đánh giá nguy cơ sập đổ: Khi triển khai đội hình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bên trong nhà kho lưu trữ hàng hóa trên giá cao tầng có kết cấu khung thép, mái tôn phải đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra sập đổ các cấu kiện công trình và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Khi đám cháy đã lớn, không thể tiếp cận, dập tắt đám cháy từ bên trong thì chỉ huy chữa cháy có thể quyết định cho phá dỡ 1 phần cấu kiện của nhà kho để tạo điều kiện cần thiết nhất để cứu người, cứu tài sản, ngăn chặn cháy lan và phun chất chữa cháy vào bên trong đám cháy. Quá trình tổ chức chữa cháy cần triển khai lăng phun nước làm mát bảo vệ các cấu kiện xây dựng và kết hợp tháo dỡ những cấu kiện có nguy cơ sụp đổ.
Đảm bảo các điều kiện hậu cần: Khi chữa cháy vào ban đêm phải tổ chức chiếu sáng bên trong và bên ngoài khu vực cháy. Trường hợp tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian dài phải bảo đảm hậu cần chiến đấu; bố trí thay ca, kíp chiến đấu phù hợp để bảo đảm duy trì hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục; kiểm tra tình trạng hoạt động của các loại phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bố trí phương tiện dự phòng để thay thế kịp thời khi có yêu cầu.
Đảm bảo an toàn cho lực lượng: Để đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân gồm: Quần áo chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng, mũ, ủng, găng tay, mặt nạ phòng độc cách ly. Khi chữa cháy ở các khu vực có hoá chất độc hại, hoá chất có tính ăn mòn, ngoài các thiết bị, dụng cụ đã được trang bị cho cán bộ chiến sĩ, chỉ huy chữa cháy cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện để tránh nguy cơ nhiễm độc. Không cho người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy.